Ngày nhận bài: 02-07-2025 / Ngày xuất bản: 02-07-2025
Nuôi cá biển bằng lồng bè ở phía Bắc của Việt Nam đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương. Tuy nhiên, các khu vực nuôi này đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái, được dự báo là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh đối với các đối tượng nuôi. Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là các khu vực đang phải chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động phát triển kinh tế xã hội và nuôi trồng thủy sản ở miền Bắc Việt Nam. Sử dụng chỉ số tai biến môi trường (RQ: Risk Quotient) để đánh giá chất lượng nước khu nuôi trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2012. Nồng độ ôxy hoà tan trong nước (DO) khu vực nuôi ở Quảng Ninh và Hải Phòng có chiều hướng giảm rõ rệt từ 2005 đến 2012. Nồng độ DO thấp hơn giới hạn cho phép (<5,0 mg/l) xảy ra tại Bến Bèo, Tùng Gấu (Hải Phòng) và Kênh Bà Men, Cửa Vạn (Quảng Ninh). Trong thời gian từ 2008 đến 2012, nồng độ dinh dưỡng trong nước tăng đáng kể, đặc biệt với thông số N-NH4+ và N-NO3-. Nồng độ một số kim loại nặng (Cu, Pb, Cd và Zn) trong nước tăng trong thời gian từ 2005 đến 2012. Giá trị chỉ số tai biến môi trường tổng thể (RQtt) tính theo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam nằm trong giới hạn an toàn (0,75) ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ xảy ra ở khu vực nuôi với mật độ cao như Cửa Vạn (Quảng Ninh), Bến Bèo (Hải Phòng). Chỉ số tai biến môi trường tính theo tiêu chuẩn của ASEAN cho giá trị vượt giới hạn an toàn, điều này cho thấy sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và dịch bệnh đến hoạt động nuôi cá biển bằng lồng bè tại cả hai khu vực trên.