Ngày nhận bài: 04-11-2024 / Ngày duyệt đăng: 27-06-2025 / Ngày xuất bản: 27-06-2025
Lúa (Oryza sativa L.) là cây trồng quan trọng cung cấp lương thực cho hơn một nửa dân số toàn cầu. Tuy vậy, canh tác lúa tiêu tốn đáng kể lượng nước tưới và phát thải nhiều khí nhà kính, đặc biệt là mê-tan (CH4). Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho lúa ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Bài báo phân tích cơ chế phát thải khí CH4 và những lợi ích của công nghệ tưới ướt khô xen kẽ (AWD) nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ này trong sản xuất lúa bền vững. Các kết quả nghiên cứu cho thấy bên cạnh giảm lượng nước sử dụng và chi phí tưới, AWD còn mang lại nhiều lợi ích đối với sinh trưởng và năng suất lúa, chất lượng gạo, hoạt động của sinh vật đất, giảm sâu bệnh hại và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng. Hơn nữa, AWD giảm đáng kể lượng khí CH4 phát thải và có thể được chuyển đổi thành tín chỉ các-bon, có tiềm năng tăng thu nhập cho người sản xuất. Do đó, áp dụng AWD trong trồng lúa đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững.