Ngày nhận bài: 10-04-2012 / Ngày duyệt đăng: 05-08-2012
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam kể từ khi tiến hành đổi mới năm 1986. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một lượng lớn vốn FDI đã chảy vào Việt Nam, lên tới trên 140 tỷ USD, do sự mở cửa của nền kinh tế trong khuôn khổ gia nhập WTO và các lợi thế quốc gia hấp dẫn của Việt Nam. Trong đó, chúng ta chứng kiến sự chuyển dịch của vốn FDI từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, và xu hướng giảm sút rõ rệt vào lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam đến chủ yếu từ các nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Châu Âu-những quốc gia dồi dào vốn và có tiềm năng về công nghệ. Một xu hướng khác là vốn FDI tập trung vào ba khu vực chính là đồng bằng sông Hồng (bao quanh tam giác kinh tế phía bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), miền Trung (bao quanh Đà Nẵng) và Đông Nam Bộ (bao quanh thành phố Hồ Chí Minh) bởi các vùng này có hạ tầng tốt, lao động dồi dào, và quy mô thị trường lớn hơn. Một số giải pháp ngắn gọn mang tính định hướng cũng được đề xuất nhằm giúp cho việc thu hút và sử dụng vốn FDI hiệu quả hơn trong quá trình phát triển của Việt Nam thời gian tới.