Ngày nhận bài: 03-07-2025 / Ngày xuất bản: 03-07-2025
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá khả năng diệt khuẩn của các sản phẩm nano SP3 (Polyme_Ag_Fe3O4_Kháng sinh) đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi nước lợ trong điều kiện in vitro. Chủng vi khuẩn được sử dụng để thử nghiệm là Vibrio parahaemolyticus KC12.020, nồng độ thử nghiệm 108 cfu/ml. Kết quả thử nghiệm cho thấy đường kính vòng vô khuẩn của sản phẩm nano Polyme_Ag_Fe3O4_Doxycylin đạt 17,25 mm khi liều lượng kháng sinh sử dụng bằng một nửa (1/2) hàm lượng kháng sinh Doxycylin được khuyến cáo sử dụng. Sản phẩm nano Polyme_Ag_Fe3O4_Ciprofloxacin có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh AHPND (đường kính vòng vô khuẩn đạt 16,25 mm) tương đương với khả năng diệt vi khuẩn của kháng sinh Ciprofloxacin sử dụng đơn lẻ khi liều lượng kháng sinh thử nghiệm chỉ bằng 1/5 hàm lượng kháng sinh Ciprofloxacin được khuyến cáo sử dụng. Tuy nhiên, sản phẩm nano Polyme_Ag_Fe3O4_Ciprofloxacin sẽ không được tiếp tục thử nghiệm ngoài thực địa do kháng sinh Ciprofloxacin mới bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản. Kết quả thử nghiệm các sản phẩm nano khác, Polyme_Ag_Fe3O4_Oxytetracyclin, Polyme_Ag_Fe3O4_Florphenicol và Polyme_Ag_Fe3O4_Doxycyclin_Florphenicol, trong nghiên cứu này chưa thể hiện rõ tiềm năng diệt khuẩn, do vậy chúng cần được tiếp tục nghiên cứu để khẳng định rõ hơn vai trò diệt khuẩn. Kết quả nghiên cứu này bước đầu cho thấy tiềm năng ứng dụng sản phẩm nano kết hợp với kháng sinh trong điều trị bệnh AHPND trên tôm nuôi nước lợ.