Ngày nhận bài: 04-04-2024 / Ngày duyệt đăng: 17-04-2025 / Ngày xuất bản: 28-03-2025
Nông nghiệp chính xác yêu cầu rải phân bón đúng số lượng, vị trí và thời điểm để nâng cao hiệu quả canh tác, tiết kiệm tài nguyên và giảm tác động môi trường. Nghiên cứu này xây dựng mô hình lý thuyết mô phỏng quỹ đạo hạt phân bón sau khi rời khỏi đĩa quay. Phương pháp động lực học và số Runge-Kutta được áp dụng để phân tích ảnh hưởng của hệ số cản không khí, kích thước hạt và khối lượng riêng đến quãng đường di chuyển. Kết quả cho thấy, hệ số cản không khí và quãng đường di chuyển có quan hệ tỉ lệ nghịch. Khi hệ số cản tăng từ 0,4 lên 0,6, quãng đường giảm từ 17,79m xuống 15,59m. Ngược lại, đường kính và khối lượng riêng của hạt có quan hệ tỉ lệ thuận với vị trí tiếp đất. Khi đường kính tăng từ 2mm lên 4mm, quãng đường tăng từ 13,98m lên 20,79m. Khi khối lượng riêng tăng từ 1.200 kg/m³ lên 1.800 kg/m³, quãng đường tăng từ 15,59m lên 19,64m. Nghiên cứu khẳng định rằng thiết kế hệ thống rải phân cần tính đến sự tương tác giữa các thông số cơ lý tính của hạt để tối ưu hóa hiệu quả phân phối trên đồng ruộng.