Thảo dược đang ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng thuỷ sản, tuy nhiên, thảo dược cũng có độc tính nhất định. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá độc tính của dịch chiết từ cây dây gắm và xác định nồng độ/liều gây chết 50% (LC50/LD50) trên cá tra giống theo phương pháp ngâm và cho uống. Cá tra (~ 10g) được ngâm trong nước có pha dịch chiết ở các nồng độ khác nhau (800, 1.000, 1.200, 1.400 và 1.600 mg/l) hoặc uống cưỡng bức (350, 450, 550, 650 và 750 mg/kg). Tỷ lệ chết được theo dõi sau 12, 24, 48, 72 và 96h. Kết quả cho thấy dịch chiết cây dây gắm có khả năng gây độc trên cá tra giống. LC50 sau 24, 48 và 72/96h lần lượt là 1.114,81; 1.100,56 và 1.046,62 mg/l. LD50 là 562,83 mg/kg cá sau 48h và 518,23 mg/kg cá sau 72/96h. Nồng độ an toàn dưới 111,48; 110,06 và 104,66 mg/l sau 24, 48 và 72/96h; liều an toàn dưới 56,28 mg/kg cá sau 48h và 51,82 mg/kg cá sau 72/96h. Cá có biểu hiện trúng độc cho thấy sự thay đổi rõ rệt về hình thái và màu sắc của các cơ quan nội tạng như túi mật, gan, lách, thận và tim; bao gồm hiện tượng sung huyết, đổi màu và biến dạng, cho thấy tác động tiêu cực của chất độc đến chức năng sinh lý cơ thể.